Kinh nghiệm du lịch Chiang Mai mùa lễ Yipeng (Updated 02/2023)

Cái tật khó bỏ: hễ thấy quảng cáo vé rẻ dịp hội hè, y như rằng sẽ tốn nguyên buổi lựa qua lựa lại, tìm giá cả ưng cái bụng nhất mà… dòm sau đó 😆 Vào một buổi trưa đầu tháng 7 nóng nực năm nào, dành nguyên bữa chỉ để tìm vé đi đây đi đó. Quanh quẩn một hồi thì hạ cái cành, xuống Chiang Mai! Google một hồi thì thấy có tháng 11 đi vừa giá rẻ lại còn trúng lễ hội. Thế là a lê hấp, thanh toán trong một nốt nhạc – chính thức chốt du lịch Thái Lan lần 2 😉

Dĩ nhiên, 4 tháng chờ tới ngày đi cũng đủ để kịp lên kế hoạch du lịch Chiang Mai tự túc. Dưới đây là những kinh nghiệm mà mình đã nếm trải từ chuyến đi thực tế ngay dịp lễ. Mời mọi người cùng ghé đọc để lưu ý vài thứ trước khi đi, sẵn mở màn series bài viết mới 🙂


Phần 1: Lưu ý trước khi du lịch Chiang Mai tự túc

du lịch Chiang Mai tự túc
Nhá hàng Chiang Mai ngày nắng xinh đẹp cho mọi người nhé 😉
  1. Thời tiết tháng 11 tại Chiang Mai NẮNG & NÓNG nhiều. Ai ưa không khí mát mẻ nên đi tầm tháng 12 tới tháng 2 là vừa đẹp. Tầm này anh đào nở, cảnh đẹp trời mát tha hồ sống ảo 😉
  2. Nếu bạn thuộc team đi nhanh về gọn, nên chọn bay thẳng. Còn nếu bạn thuộc team trải nghiệm, bay đến Bangkok trước rồi di chuyển bằng tàu hỏa hoặc night bus để đến Chiang Mai sẽ là lịch trình đi đêm lý tưởng để xẻ dọc xứ Thái.
  3. Nên có mũ đội và áo khoác dài tay để che nắng. Tháng 11 lúc tham gia lễ thời tiết nắng gắt, buổi tối cũng không mát mẻ, nên chú ý mang theo nước để giải nhiệt.
  4. Một số địa điểm ở Chiang Mai hoặc nằm khá xa trung tâm, hoặc có khuôn viên rất rộng lớn. Cộng thêm địa hình đồi núi ở xa có nhiều dốc, bạn nên thuê xe máy để dễ dàng di chuyển và nhanh đến những địa điểm cần đến. Xe đạp cũng là lựa chọn khá ổn nếu bạn chỉ dạo quanh Old City hoặc xa tới Nimmanhaenim.
  5. Những cảnh thả đèn lồng lộn lung linh lấp lánh như Tangled bạn thấy trên mạng đều đến từ sự kiện thả đèn tư nhân với giá vé nghe xong khét lẹt túi tiền. Nếu đi vào dịp Yipeng, khu vực ven sông gần Thapae là nơi tuyệt nhất để tham gia. Cái này có thổ địa chỉ mánh :))
  6. NÊN xem trước đường đi khi muốn đến bất kì nơi nào qua Google Maps. Chiang Mai giờ cao điểm cũng kẹt xe như ai, lại thêm nhiều hướng chỉ đi một chiều. Lỡ đi lố là mất cả đoạn dài để quay đầu lại như chơi.

Rồi, chừng nhiêu đó cần để ý khi tới Chiang Mai thôi á. Chi tiết từng khoản như di chuyển, phương tiện đi lại, đặt phòng này nọ sẽ có ngay tiếp theo đây 😀


Phần 2: Đường lên Chiang Mai

Đường lên (đỉnh) Chiang Mai thường có 3 cách phổ biến sau.

Máy bay

Vào thời điểm mới làm bài viết này, phần lớn các chuyến bay từ Việt Nam đến Chiang Mai đều phải quá cảnh tại Bangkok. Hiện nay bay thẳng đã dễ dàng hơn, không còn phải chờ transit mấy tiếng như ngày xưa nên cứ là vô tư thôi 😉

Để đến Chiang Mai, bạn có thể bay với các hãng như Nok Air, Air Asia… Giá vé dao động tầm 2,300THB (khoàng 1tr7) cho một chiều. Luôn đặt sớm vé máy bay ít nhất 2 tháng để có được giá tốt nhất cùng giờ bay đẹp, hen.

Nok Air
Hãng bay Con Chim (nok trong tiếng Thái là chim) với cái mỏ vàng chóe nổi rực rỡ :))

Lợi điểm đi máy bay dĩ nhiên là tiện lợi về mặt giờ giấc. Nếu bay cùng hãng như Air Asia, hành khách nối chuyến sẽ được nhân viên đón và hướng dẫn di chuyển đến khu vực hải quan riêng, sau đó làm thủ tục cần thiết để bay tiếp. Việc bay cùng hãng có ưu điểm nữa là bạn không phải lấy hành lý ký gửi, do các hãng đều có dịch vụ Fly Thru để đưa hành lý của bạn đến trạm cuối cùng. Thường sẽ mất tầm 5 tiếng để bạn bay đến Chiang Mai theo cách này.

LƯU Ý CHIỀU ĐI: Nhớ canh thời gian cách tầm 3 – 4 tiếng trở lên nếu nối chuyến, phòng trường hợp chuyến bay từ Sài Gòn bị delay. Với chuyến bay thẳng thì mọi thứ như thường. (02/2023)

Tàu hỏa

Nếu bạn dư thời gian, ưa ngắm cảnh, ghiền chụp hình, hay đơn giản là dân phượt thích hành xác, một chuyến tàu hỏa đêm từ Bangkok đến Chiang Mai sẽ là trải nghiệm đã con mắt êm cái lưng cho team “sương gió”. Mình thích cách này nhất vì cảm giác đi xe lửa mang lại, còn được một đêm ngủ nghỉ. Nếu đặt vé sớm, bạn dễ dàng xí được chỗ đẹp là giường nằm dưới với view cửa sổ rất thích.

du lịch Chiang Mai tự túc
Ảnh minh họa xe lửa Bangkok từ RemThailand.asia.

Bạn có thể mua vé trực tiếp tại trạm tàu Bang Sue* nếu đi vào mùa thấp điểm. Những mùa cao điểm (Songkran, Loy Krathong, NYE…) nên book qua trang đặt vé chính thức của Tổng cục Đường sắt Thái Lan để sớm có cho mình chỗ đẹp. Vào trang web đặt vé chuyển sang tiếng Anh, đăng ký tài khoản và làm theo hướng dẫn để đặt chỗ. Sau khi thanh toán xong bạn sẽ nhận được vé qua email đã khai báo / đăng ký trước đó.

(*): trạm tàu Bang Sue hoặc nhà ga Krung Thep Aphiwat đã trở thành nhà ga trung tâm mới của Bangkok từ 2021. Nhà ga Hualamphong trước đây hiện vẫn đang là điểm đến của các chuyến tàu xuyên tỉnh (tương tự đường sắt Bắc Nam ở Việt Nam), và từng có dự định trở thành bảo tàng sau khi ngừng hoạt động.

Tính riêng tuyến Bangkok – Chiang Mai thôi đã có khá nhiều chuyến tàu với các hạng vé khác nhau. Tùy vào mức độ chịu chi, bạn có thể dành hẳn một đêm “chanh xả” trên khoang hạng nhất với buồng riêng hai người có lavabo, hoặc đơn giản là giường tầng dưới khoang hạng hai có điều hòa mát rượi. Để dễ hình dung hơn trong toa có gì, mời bạn cùng nghía qua video dưới đây để xem bên trong chuyến xe lửa đến Chiang Mai có gì nhé 😉


Lưu ý khi đặt vé xe lửa (update 02/2023)
  • Vé chỉ được đặt trước khi khởi hành tối đa 30 ngày thông qua web chính thức.
  • Được mua tối đa 10 vé / một lần giao dịch.
  • Nếu mua vé online, bạn phải IN VÉ RA trước khi lên tàu. Nếu đặt nhận vé tại nhà ga, bạn cần in mã xác nhận và đến nhà ga nhận theo đúng giờ hẹn.
  • Hành khách được phép mang một vali lớn và một hành lý xách tay. Tổng trọng lượng cả hai kiện cho phép với toa hạng nhất là 60kg, hạng hai 40kg và hạng ba 30kg.
  • Được phép mang theo xe đạp, tuy nhiên phải xuất trình được giấy tờ chứng minh quyền sở hữu phương tiện (green book).

Xe bus

Nếu bạn chậm chân trong việc mua vé tàu hỏa, xe bus là lựa chọn còn lại để bạn cân nhắc. Với ưu thế về giá cả (từ 500THB/chiều. rẻ nhất trong cả 3 cách di chuyển), thời gian (phần lớn là xe đêm, tiết kiệm được một đêm ngủ khách sạn). Với chất lượng xe được đánh giá cao trong khu vực Đông Nam Á, trải nghiệm bus đêm ở Thái theo mình đáng đồng tiền bát gạo 😉

Một số hãng xe uy tín cho tuyến Bangkok – Chiang Mai có thể kể đến như Sombat Tour, Nakhonchai Air… hoặc bạn có thể đến bến xe Mo Chit mua vé trực tiếp trong mùa thấp điểm. Riêng mùa cao điểm như chuyến đi tháng 11 vừa rồi, bạn phải đặt vé trước ít nhất 1 tháng để đảm bảo có chuyến và chỗ. Mình lựa chọn hãng Nakhonchai Air và cực kì hài lòng với quyết định này, sẽ giới thiệu thêm trong bài đánh giá dịch vụ kế tiếp.

hãng xe Nakhonchai Air
Giới thiệu hãng xe Nakhonchai Air chuyên “trị” các lộ trình từ Bangkok lên khu vực Bắc Thái. Hãng này mình cực kỳ thích vì sự tiện nghi từ lúc đặt vé cho tới lúc xe lăn bánh. Giá cả hợp lý, chỗ ngồi thoải mái là những điểm cộng lớn mình dành cho nhà xe này.
XEM THÊM: Review hãng xe Nakhonchai Air, Thái Lan

Phần 3: Đi lại ở Chiang Mai

Phương tiện di chuyển ở Chiang Mai cũng phong phú không kém đất Thủ đô (trừ BTS và MRT, dĩ nhiên). Có 3 lựa chọn theo mình là tốt nhất để sử dụng như sau:

Thuê xe máy / xe đạp

Khác với Bangkok đất chật người đông, đi xe máy hoặc đạp xe thơ thẩn dạo quanh Chiang Mai khả thi hơn nhiều vì giao thông có phần thoáng đãng. Trừ giờ cao điểm tầm 4 đến 5h chiều, bạn tha hồ đạp xe dạo quanh thành cổ. Nếu đi xa hơn thì chọn xe máy để đỡ tốn thời gian nhé 🙂 Biểu giá thuê xe sẽ tầm 50THB/ngày cho xe đạp200 – 250THB/ngày cho xe máy. Vào thời điểm lễ hội, giá cả có thể cao hơn, như mình đi ngay dịp Yipeng thuê xe đạp giá 80THB/ngày. Khi thuê xe nhớ mang theo passport để bên cho thuê họ photo làm chứng kèm 1,000THB tiền cọc, sẽ hoàn trả khi bạn đến trả xe.

GỢI Ý: Bạn có thể đến Tawan Motor khu Chang Klan để thuê xe. Biểu giá cũng tầm như trên, được xuống tận bãi xe để chọn và chạy thử trước. Mỗi xe đều sẽ có ổ khóa cổ đi kèm, chỉ cần để xe khóa lại là được.

thuê xe Chiang Mai
Xe đạp thuê ở Tawan Motor, thích hợp cho việc đi lại trong nội thành.

Lưu ý là ở Thái làn chạy xe đi ở bên trái. Khi dừng ngay ngã tư bạn cũng không có tiện hướng mà rẽ trái như ở Việt Nam đâu, phải đợi có tín hiệu cho đi mới được 😀

Grab

Phương thức di chuyển tối thượng theo cá nhân mình ở Chiang Mai. Dù là sáng sớm khi mới tới bến xe hay đêm muộn quá 12h, bạn đều dễ dàng book Grab chỉ với một làn quẹt trên điện thoại, cực kỳ tiện lợi. Tài xế Grab hầu như hiểu tiếng Anh cơ bản, bạn cũng không lo người lái không hiểu ý mình. Dễ thương lắm <3

Giá cả đi sẽ tùy thuộc vào quãng đường và cả thời gian nữa. Nếu bạn đi giờ cao điểm sẽ bị phụ thu khá nặng, nên cân nhắc với kế hoạch tham quan đang có nhé.

Xe bus

Chỉ với 20THB cho một lượt, bạn dễ dàng di chuyển đến phần lớn khu vực nội thành Chiang Mai từ các điểm như bến xe Chiang Mai hay sân bay quốc tế với hệ thống bus SRT hiện có. Đến nay hệ thống này đã có tổng cộng 7 tuyến với lộ trình được thiết kế như những city tour ngắm cảnh. Đặc biệt nên dành trọn một lượt đi bus sau 7h tới để nhìn ngắm Chiang Mai về đêm, rất đẹp. Chỉ cần xem trước lộ trình bus cần đi, việc còn lại chỉ là ra đường… đứng chờ. Tuy vẫn cần phải đúng trạm đúng tuyến, xe bus ở Chiang Mai cũng có thể du di đón bạn không cần tại trạm.

Bên cạnh những lựa chọn trên, bạn có thể đi tuk tuk hoặc song thaew (đọc là sỏng thẻo) nếu muốn trải nghiệm bình dân hơn nữa. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của Tum (cậu bạn ở Bangkok trong những bài trước), khá là chắc kèo bạn sẽ bị chém giá gấp 4 lần. Kể cả dân miền Trung như Tum còn bị hét giá, nói gì tới khách du lịch.


Phần 4: Lựa chọn khách sạn, hostel ở Chiang Mai

Khách sạn, hostel để lưu trú khi du lịch Chiang Mai tự túc thì đa dạng khỏi nói. Có điều, chọn phòng cũng nên xét tới giá cả và vị trí nữa. Dù chỗ ở đẹp thơ viral, cơ mà xa tít mù khơi những nơi cần và hay ghé đến cũng không thoải mái lắm đâu. Dưới đây là một số gợi ý khi tìm chọn phòng ở Chiang Mai bạn có thể tham khảo qua nhé.

  • Thapae: khu vực trung tâm ở Chiang Mai hội tụ nhiều hostel giá rẻ mà chất vô cùng. Chỉ từ 250THB/đêm, bạn sẽ có giường ngủ êm ái với bữa sáng miễn phí. Đặc biệt khu vực này gần sông Ping – nơi tổ chức các hoạt động lễ hội, cũng như chợ đêm với loạt gian hàng bán đồ giá mềm cùng khu ẩm thực luôn nghi ngút khói chào đón mọi người. Các quầy bar với không gian mở hơn cũng tề tựu đông đảo tại Thapae, luôn nhộn nhịp mỗi khi đêm về với những màn trình diễn rất thu hút của các trans queen.
  • Bên kia sông Đáy, lộn sông Ping: đối diện bên kia Thapae là một loạt các hostel như Glur Chiangmai, HB40… với đầy đủ tiện nghi, phong cách đa dạng mà mức giá vô cùng phải chăng. Đi xa hơn ra ngoài ngoại ô là các resort cao cấp, riêng tư hơn dành cho những ai có nhu cầu nghỉ ngơi xịn xò. Resort cũng tập trung nhiều nếu bạn di chuyến về phía Nam Chiang Mai, mức giá dao động từ thấp nhất 500THB cho dorm room đến trên 2,000THB cho phòng đơn.
  • Old City: tọa lạc trong khu vực thành cổ phần lớn là các hotel tầm 2 đến 3 sao với phong cách cổ kính hơn. Khu vực này thích hợp cho những ai thích yên tĩnh, muốn khám phá Chiang Mai ngay từ gốc của nó.
  • Nimmanhaenim: đặc biệt dành cho những ai thích những nơi nghỉ ngơi “chanh xả” như Airbnb hay thuê căn hộ. Khác với Old City, Nimmanhaenim mang hơi thở thành thị hơn nhiều với các tòa nhà, chung cư hiện đại cùng những ngõ nhỏ có cách bài trí xanh mắt. Nếu bạn không ngần ngại chi phí, ưa thích sự riêng tư và dễ dàng đi lại đến sân bay, khu vực này là lựa chọn đáng thử.

Tương tự như giá thuê xe, giá thuê phòng ở Chiang Mai cũng dao động tùy thời điểm. Nếu bạn nhanh tay múc chỗ trước dịp đi (book trả sau thôi là ok) là có thể có phòng với giá rẻ hơn so với khi đặt sát ngày. Đặc biệt dù một số resort hoặc hotel ở đây có cho đến tận nơi mới đặt phòng, nhưng đó là trên lý thuyết. Mùa lễ hội phòng ở đẹp đều cháy rất nhanh, dù có là giường dorm cũng kín booking từ trước cả hai tháng.


Phần 5: Một số lưu ý khác khi ở Chiang Mai

Lẽ ra tới đây thường sẽ là ăn uống, đi đâu, làm gì… Cơ mà mấy chủ đề này dài lắm, biên bài tới cả tuần có khi chả hết. Vậy nên lại có thêm một số thứ linh tinh bạn có thể cần biết trong thời gian lưu lại ở Chiang Mai đây 😉

  • Tỉ giá đổi tiền ở Chiang Mai thấp hơn ở Bangkok, kể cả Superrich. Nếu bạn muốn đổi tiền giá tốt nhất, tìm đến Super Currency Exchange (quầy đổi tiền nhỏ, cách Superrich Chiang Mai 5 phút đi bộ) trên đường Loi Kroh để đổi.
  • Yêu cầu đổi tiền: ngoại tệ phải phẳng và không quá cũ, không có ghi chú gì trên tờ tiền hoặc sẽ bị từ chối. Ở Superrich Bangkok thì mình còn xin nhân viên họ nhận được nếu dễ tính, chứ ở Chiang Mai thì… hơi khó.
  • Mọi thứ ở Chiang Mai khá đúng giờ. Ví dụ nếu hẹn trả xe lúc 4 giờ chiều ngày mai thì đúng giờ đó phải có mặt để làm thủ tục hoặc sẽ bị tính phí phạt.
  • Nên tham khảo trước lịch hoạt động và giờ mở cửa của một số quán trên Facebook hoặc website để tránh lâm vào cảnh tới sớm hoặc về tay không nếu quán nghỉ. Nếu bạn muốn tìm một vài quán bình dân để thưởng thức, nên note lại địa chỉ hoặc ghi chú tìm đường vì định vị Google Maps có thể lệch.
  • Đừng quá ngạc nhiên khi chả có ai… trông xe cho bạn. Ở Chiang Mai mọi người dường như rất tin tưởng vào an ninh vốn có, chỉ cần dựng xe sát tường, khóa cổ lại và lên hostel ngủ thẳng cẳng. Sáng thức dậy, hú hồn cái xe còn y nguyên, cả bình nước cũng vẹn toàn luôn!
  • Một số tuyến đường ở Chiang Mai là đường một chiều, nên bạn lưu ý xem trước bản đồ để tránh bị “thộp” vì đi không đúng chiều. Nếu bạn di chuyển dọc Old City, chỉ có thể đổi chiều khi băng qua cầu vượt để ra vòng ngoài đi hướng ngược lại, cần lưu ý để tránh mất thời gian di chuyển.
  • Không có chỗ bơm xe như ở Sài Gòn đâu nhé. Nếu bạn thuê xe máy và bánh bị mềm, nhanh chóng tìm đường đến trạm xăng để tự bơm hơi.

Rồi, kinh nghiệm du lịch Chiang Mai tự túc đến đây đã khá đủ rồi đó. Ngay tiếp theo sẽ là hành trình ngáp vặt đến với Vương quốc cổ mùa lễ thả đèn nhé 😉

(Bài viết được cập nhật vào 02/2023 với một số thay đổi)

Leave A Reply

Navigate
Verified by MonsterInsights