Thi thoảng du lịch cũng hay “vung tay quá trán” để rồi sau đó gặp vài vấn đề làm chuyến đi chơi… hết vui (vì khét xèng). Giới thiệu với bạn 3 cách kiểm soát chi tiêu du lịch mình thường tự áp dụng đây nha 😉
Lập trước kế hoạch tham quan kèm theo chi phí dự trù
Trừ khi bạn dư dả chi tiêu, chuyến đi nào cũng nên có một bản kế hoạch chi tiêu dự trù sơ bộ. Hãy liệt kê ra một danh sách nháp những nơi bạn muốn đi, hỏi anh Google về giá cả tham quan này nọ. Xong rồi ta bắt đầu màn cân đối thu chi.
Ví dụ cho sinh động dễ hiểu: mình có chuyến đi Thái – Cambodia 10 ngày vào tháng 02/2018 với budget 8,200,000VND. Thanh toán online trước tiền vé và tiền phòng xong, đến ngày đi mình còn lại khoảng 5,200,000VND (chi tiêu cụ thể đợi bài viết chia sẻ lịch trình sau nhé).
- Bước 1: Làm phép tính hạn mức tối đa một ngày = số tiền còn lại (USD) ÷ (số ngày đi – 1). Thời điểm tháng 02/2018 $1 = 22,800VND, chia bình quân mình có $25,5/ngày. Trừ đi 1 ngày vì ngày đi và ngày về chỉ chi trả cho ăn uống đi lại cơ bản.
- Bước 2: Tìm hiểu về độ mắc mỏ của nơi bạn đến, ví dụ như mình đi Cambodia và biết chỗ này vật giá rẻ, hạ mức chi tối đa mỗi ngày xuống còn $20. Thái nhiều nơi để đi và giá cũng cao hơn thì nâng lên $35/ngày. Mỗi nơi mình ở lại 4 ngày, nhân lên cộng thêm $10 còn dư cho hai ngày đi và về là vừa đủ với số tiền hiện có.
- Bước 3: Liệt kê xem ngày này đi nơi nào, có thông tin giá vé, giá cả dịch vụ trên mạng thì ghi ra. Nhớ đổi sang đơn vị ngoại tệ bạn đang tính toán để không bị lẫn lộn. Ở bước này bạn sắp xếp lên luôn giờ giấc để làm kế hoạch tham quan hoàn chỉnh luôn.
Lịch trình dự kiến là vậy, nhưng không có gì đảm bảo bạn sẽ đi được hết 100% những địa điểm đã đề ra vì nhiều yếu tố (trễ giờ bus / MRT, quá giờ tham quan, đến nơi thấy… không thích). Tới đây là bạn đã bắt đầu có được hạn mức chi tiêu từng ngày rồi.
Kiểm soát việc đổi ngoại tệ
Quy tắc đơn giản: cái gì bạn có hữu hình sẽ dễ kiểm soát. Chuẩn bị sẵn số tiền trên bằng tiền mặt, sau đó đổi tiền như sau:
- Tiền VND: chỉ để lại một khoản vừa đủ di chuyển đến sân bay và ngược lại. Đổi tiền Việt ở nước ngoài lỗ hơi nặng, có khi còn không đổi được.
- Tiền USD: đồng bạc xanh dễ tiêu dễ đổi tiền với tỉ giá tốt tại nhiều nơi. Hãy đổi khoảng 90% số tiền bạn có qua USD, bắt buộc có tờ mệnh giá lớn $100. Mệnh giá USD càng lớn, tỉ giá đổi càng tốt như ở Thái.
- Tiền nơi bạn đến: 10% còn lại đổi sang đơn vị tiền tệ nơi bạn đến để chi trả vé tàu di chuyển tới nơi bạn đặt chỗ ở.
Rồi áp dụng vô chuyến đi trên, mình đã đổi như thế này:
- Đổi 5,100,000VND ra được tầm $225, trong đó có 2 tờ mệnh giá lớn $100, $25 còn lại chia nhỏ ra giữa mệnh giá $5 – $10.
- 100,000VND còn lại dùng để đặt Uber đi tới nhà xe đi Cambodia. Dư thì mua chút ít đồ ăn vặt với nước uống.
- Đổi số tiền thừa kèm tờ USD mệnh giá nhỏ tại cửa khẩu Poipet qua Bath Thái.
- Đến Bangkok, tìm Superrich đổi trước 1 tờ mệnh giá $100 được khoảng 3,320 THB. Ở Thái USD mệnh giá lớn có tỉ giá đổi tốt hơn.
Chia ra bình quân 4 ngày, mỗi ngày trước khi rời hostel lấy đúng hạn mức cho phép vào ví. Không đổi hết USD vì nửa sau chuyến đi mình về lại Phnom Penh, có thể tiêu bằng USD luôn không cần đổi qua riel.
Note lại hết những khoản vừa thanh toán
Mang theo đủ chỉ tiêu mỗi ngày nhưng thực tế mình vẫn hay dôi lên một ít để phòng trường hợp lỡ quá lố. Đi tàu cao tốc hết bao nhiêu, ăn món gì, ghé quán bar nào,… trả tiền xong hãy móc chiếc điện thoại của bạn ra. Bật note ví dụ như Word, Excel… ghi đơn giản khoản vừa mới chi (tên việc vừa làm / món vừa ăn – số tiền). Rất nên tự thống kê ngay trong ngày đã chi thế nào, để biết được mình đã chi bao nhiêu, lúc nào cần tiêu ít lại, khi nào thì “xả láng sáng chiều”.
Nếu tự tin vào khả năng ghi nhớ của bản thân, có thể tự nhẩm (lời khuyên nên giữ lại hóa đơn).
Hy vọng 3 cách kiểm soát chi tiêu du lịch trên phần nào giúp bạn nắm rõ tình trạng chiếc ví thân yêu của mình nhé!