Hồi kí hành trình du lịch Cambodia – Thái Lan: Đến Bangkok (Phần 1)

Từ lúc viết bài đầu tiên cho chuyến du lịch Cambodia – Thái Lan tới giờ cũng ngót… hai tuần! Cũng bởi cái sự bận muôn thuở nên giờ mới nghiêm chỉnh viết lại, hic hic. Cái khó của việc viết blog là dễ sa đọa chứng lười, lười dần cái… quên. Heiz.

Chuyện nữa là nhiều người không tin việc đi Thái 5 ngày mà chưa tới 4 triệu. Thực tế nhiều người (có mình trong đó) không có nhiều xèng, nhưng chi tiêu khéo léo vẫn đủ để tận hưởng nơi mình đến thôi  Người ta đi rẻ đâu có nghĩa là tằn tiện đên kẹt xỉn đâu…

Dông dài vậy thôi, vô đề ngày thứ hai nhé. Đọc thêm nửa đầu đường đi trước đó tại ĐÂY.


Đường đến Bangkok: 4h sáng ngày 13/02

Lúc này thì tỉnh ngủ hẳn.

Thực tình là đi đâu lần đầu đều ngủ rất chập chờn. Nhớ hồi đi Hà Nội năm 2016, dù bay rất trễ và mệt (vì bị delay quá lâu, sẽ kể sau) vẫn không tài nào ngủ nổi. Cứ 30 phút lại tỉnh, nhìn ngắm xung quanh rồi thức luôn tới tận Cầu Giấy. Resfeber while still traveling, isn’t it? 

Lại trở về chuyến đi, đường lộ ở Cambodia chả buồn bật đèn đường. Ngoài khung cửa kính là không gian tối mịch, thi thoảng mới có ánh đèn leo lắt từ nhà dân ven lộ. Mọi thứ tĩnh mịch đến độ buồn ghê gớm. Đôi lúc thấp thoáng ánh đèn cam sáng rực, tự biết đã vào nội thành đâu đó. Xem định vị thì tầm này đã gần đến Battambang, coi như đã xẻ dọc gần hết chiều ngang Cambodia.

Được một lúc thì xe dừng lại cho khách còn thức đi giải quyết cá nhân. Chính ra mọi thứ vẫn bình thường, nếu như tài xế không mắc dịch lái xe lên một đoạn sau khi một vài khách (có mình) xuống xe. Kiểu là, khi bạn bước ra khỏi nhà vệ sinh bỗng thấy trống hoác. Xe đâu mất rồi? Cái quái gì đang xảy ra???

Lúc đó hoang mang hoảng loạn tùm lum trong đầu. Bởi ở nơi tiếng Anh trở nên vô dụng như tỉnh lẻ, bạn không biết liệu họ dừng lại cho bạn xả nước cứu thân, hay nghĩ rằng mình tới nơi nên tẩu luôn không chờ đợi. Trải nghiệm cảm giác hú vía khi “xả nước cứu thân” xong quay lại không thấy xe đâu đúng là rùng rợn hơn coi phim kinh dị. May mắn có hai chị gái người Pháp để ý, hú mình cách đó một quãng để lên xe đi tiếp.

Thót tim tập 1.

Đường đến Bangkok: tới Poipet

Night bus ở Cambodia (cụ thể chuyến này) là một tuyến trả đa trạm. Tức là dù điểm đến ở đâu, bạn cũng sẽ được nhét chung vào một cái xe, xe đi tới chỗ nào trả khách đến chỗ đó. Lúc vừa ra khỏi Battambang, xe không đi liền mà còn dừng thêm mấy đợt thả khách nữa, kéo dài thời gian di chuyển thêm gần tiếng đồng hồ. Thế là tự do nhảy qua chỗ mình thích, coi như bù lỗ vụ đặt-chỗ-như-không trước đó.

Khung cảnh hai bên đường lúc này đã dần ẩn hiện mờ ảo sau màn sương sớm. Mỗi dịp Tết về, đất trời miền nhiệt đới lại vào thời khắc dễ chịu nhất năm. Khác với một Đà Lạt lạnh run đến ướt áo vì sương đọng trĩu ngày Tết, đất đồng bằng nơi đây mát dịu, tô điểm chút gì đó nên thơ lẫn huyền ảo thay cho những tháng ngày nắng cháy da đầu.

Hoặc chỉ là do sáng sớm mới vậy…

Tầm 6h sáng hơn thì trời hửng, đường phố cũng dần nhộn nhịp. Trên xe lúc này chỉ còn chưa tới 8 người, nhìn trống vắng đến thoải mái vô cùng. Nửa tiếng sau thì xe vào hẳn Poipet, chuẩn bị cho công cuộc “vượt biên” lần 2. Lúc này lơ xe hối hành khách còn lại chuẩn bị gom đồ xuống xe, tự biết là đã đi được nửa chặng đường.

Và sự hành, sự mệt và sự hú hồn cũng âm thầm bắt đầu từ lúc này.

Qua Hải quan, tập 1

Là cửa ngõ cuối cùng trước khi đến đất Thái Lan, cửa khẩu Poipet là cửa khẩu đường bộ lớn và nổi tiếng nhất với người dân hai bên biên giới lẫn dân du lịch bụi. Đông đảo lao động người Khmer nhập cảnh nước bạn để làm việc trong ngày từ sớm. Chiều tối trở về lại Poipet cũng theo trục đường bộ này.

Ngã vào cửa khẩu Poipet. Photo credit: Muhammad Cohen @ Forbes

Chỗ này thực ra nổi tiếng cũng vì có tổ hợp khách sạn – sòng bài khi vừa qua chỗ hải quan. Có cả tiếng Việt luôn. Cảm thấy dân mình máu đỏ đen nổi (+ tai) tiếng muôn nơi thật.

Như đã cảnh báo trước, nhân viên hãng xe ở Cambodia không giúp bạn làm thủ tục hải quan nên đoạn này phải tự lực cánh sinh. Họ sẽ chỉ đưa bạn một cái thẻ nhựa thông báo hãng minivan bên kia cùng dặn dò qua trước giờ khởi hành. Từ giờ bắt đầu hành trình vác túi du lịch nặng trình trịch đi làm thủ tục xuất cảnh.

LƯU Ý: Nên đổi số USD và KHR lẻ sang bath Thái ở đây để có tiền lẻ dùng đỡ, dù tỉ giá nơi biên giới ghê thấy mồ (đổi cả chục ngàn riel được có 90 bath).

Vào khu Departure, lấy viết và tự điền tờ xuất nhập cảnh. Y chang như mẫu ở Mộc Bài, nhưng phải điền cho đủ mục. Đi chung hai chị gái Pháp ban nãy nên tốt tính chia sẻ chị em cây viết, xong xách cuốn hộ chiếu tiến tới quầy lăn dấu vân tay để hoàn thành thủ tục hải quan. Mọi chuyện khá ổn cho tới khi bọn hải quan yêu cầu xì ra phí 100 bath.

NÀ.NÍ???

ỦA???

Tới đây vẫn vô màn làm tiền?

Nghĩ bụng lại thì thấy kì. Rõ là dân ASEAN trong khối, chỉ cần chìa hộ chiếu thôi là xong rồi, có quy định nào yêu cầu tô vẽ mấy loại phí không rõ ràng này đâu? Thế là tăng xông phản ứng. Dĩ nhiên công cuộc kiếm tiền hằng ngày, đâu dễ lọt qua nên anh hải quan vẫn vòi 100 đồng bath đó. Bằng-tiếng-Việt. Cô bạn quầy kế bên cũng méo mặt y chang (người Việt luôn).

Lúc này cũng hơi khó chịu vì sợ trễ bố giờ đi xe, nhưng vẫn tức. Rồi móc trong bóp ra một tờ bạc xanh có mệnh giá $100. Chiêu này bất ngờ có tác dụng! Các anh thoạt đầu hỏi có tiền nhỏ không. Mình bảo giờ có toàn tờ $100 thôi, mày muốn thu thì thối lại đủ $97 là được. Các anh lại ngắm nghía tờ tiền một hồi, xong đưa lại kèm hộ chiếu và tờ khai ban nãy với con dấu đỏ, phẩy tay cho qua. Chắc cũng biết có một dãy dài đằng sau chờ mòn mỏi nên bấm bụng không nuốt 100 bath.

Qua ải Hải quan Poipet thành công dù lòng vẫn thấy bực bội.

Qua Hải quan, tập 2

Từ phía Poipet, hành khách cuốc bộ chừng 200m tới cây cầu nhỏ thì dần băng qua phía tay trái. Ngay trước mắt lúc này chính là cửa khẩu Aranyaprathet (อรัญประเทศ) – điểm dừng chân đầu tiên tại xứ sở chùa Vàng. Phần mái ở đây được làm rất tỉ mỉ với phần đỉnh tháp trổ rõ nét các chi tiết hoa văn Phật giáo. Nhìn thôi cũng thấy mê mẩn.

Chuyện bên lề: Đến khi gặp lại hai chị người Pháp cùng cặp đôi của chị gái người Việt ban nãy mới biết là chỉ dân Việt mới bị vòi tiền. Chán!

Khu vực xuất nhập cảnh ở Aranyaprathet được chia ra làm đôi. Một bên dành cho khách du lịch, còn lại dành cho dân nhập cảnh lao động trong ngày. Để nhập cảnh Thái Lan, bạn phải lên lầu trên để làm thủ tục. Sẽ có một cái bàn để trống với mớ tờ khai nhập cảnh như hình dưới. Dừng lại, điền đầy đủ thông tin là được. Xong vào xếp hàng chờ tới lượt lăn tay đóng dấu. Có thể tùy thời điểm, nhưng hôm mình đi xếp cả hàng dài, chờ hơn nửa tiếng là ít.

Mẫu nhập cảnh hiện hành ở Thái Lan, áp dụng cho cả đường hàng không lẫn đường bộ.

Lúc này bắt đầu có tiết mục “người tốt công cộng”. Tức là trong nguyên cái hàng dài đó sẽ có người nhận coi coi viết tờ khai đúng chưa. Không có kiểu tốt xong vòi tiền phí gì, cứ kêu “It’s okay”. Cũng yên ổn đứng xếp hàng một lúc, sau có nhân viên Hải quan ra dắt cho lên đầu đứng coi hay gì đó, không hiểu lắm. Cũng nghĩ là do tốt tánh, tới khi mình chuẩn bị lên trụ Hải quan làm thủ tục thì người này coi lại hộ chiếu, xong kéo cả mình lẫn chị gái người Việt kia qua khu của dân lao động Khmer. Đứng xếp hàng lại từ đầu.

NÀ.NÍ???

Lúc đó thiệt muốn thốt lên câu cửa miệng CQQGV của cô Lan dễ sợ… Trợn mắt nhìn nó hỏi ủa vụ gì đây thì nó bảo mày qua đây làm, vậy thôi.

Thế là lại đợi (thêm) 30 phút nữa. Cả hai chị em đều hoang mang không hiểu gì, ông bồ chị người Đài cũng ngớ người. Cộng thêm nhân viên cứ bình thản làm việc không hồi đáp, thực sự thấy mà đau tim. Lúc gần tới lượt của mình, thấy nhân viên Hải quan tề tựu xôm xôm ở góc phòng cũng làm mình ớn theo. Lỡ có làm gì bậy bạ mà không biết, hay giấy tờ có vấn đề gì chăng? Tám vạn câu hỏi cứ vậy mà quay mòng mòng trong đầu. Mới đi lần đầu, chả lẽ sao quả tạ chiếu ngay lúc dầu sôi lửa bỏng này?

Nhưng cô nhân viên chỉ lặng lẽ cầm hộ chiếu nhìn mặt, xong yêu cầu lăn tay rồi đóng dấu cho qua. Không hỏi qua mục đích gì, xuất trình bao nhiêu tiền mặt như trên mạng hay nói. Các anh cảnh vệ còn hướng dẫn lối đi xuống để ra khỏi cửa khẩu nữa. Mọi thứ bình thường nhẹ nhàng như chưa hề có màn giật gân trước đó.

Thót tim tập 2!

Công cuộc tô điểm passport thành công, có thêm một màu tím nữa!

Nắng về theo hướng thủ đô

Rời khỏi Hải quan cũng vừa gặp team gái Pháp và cặp đôi Việt – Đài. Vừa kể chuyện giật gân khi xuất nhập cảnh cho nhau nghe, vừa tìm chỗ nhà xe bên Thái để còn tiếp tục hành trình. Qua cái Star Plaza bự chảng thì rẽ vào, sẽ có một loạt nhà xe đi về Thái. Cầm tấm thẻ được đưa cho ban nãy tìm tới đúng hãng. Do cả bọn bị trễ nên nhập hội chung vài người khác, đi chuyến lúc 9h30.

Bãi xe nằm bên hông tòa nhà lớn. Hầu như ở đây chỉ toàn các loại minivan 9 đến 16 chỗ.

Ở bến xe này có khá nhiều hàng bán SIM du lịch cho du khách. Bạn có thể mua tại chỗ, hoặc mua và nhận từ trước ở Sài Gòn nếu muốn tiết kiệm chút đỉnh. Đợt đi vừa rồi mình mua SIM TrueMove tại ĐÂY, giá khi đó khoảng 145,000VND. Có thể nhờ người bán ở đây giúp kích hoạt SIM và đăng ký gói du lịch. Sẽ có sẵn 3GB xài 4G, 100bath trong tài khoản dùng trong 8 ngày, phù hợp cho những chuyến du lịch ngắn ngày.

Các gói hòa mạng sim DTAC. Đặc biệt gói 249bath rất phổ biến với du khách.

Sáng sớm ngoài 1,5 lít nước ra thì bụng… trống trơn. Thế là nhào vào hàng xiên thịt nướng mà chiến. Có xiên gà và xiên heo, ăn không hoặc kèm theo xôi dẻo đều được. Gọi thử một heo một gà, thịt mềm mà ướp rất vừa khẩu vị. Chiến thêm hai xiên heo nữa, tổng thiệt hại 40bath. Về sau lúc ở Bangkok sau đó mình ngày nào cũng làm 4 5 xiên vậy cho đã cơn thèm thịt nướng 😎 

Chỗ bán xiên que nướng. Ngửi mùi thôi đã thấy ngon miệng.
Xiên que nướng này tiếng Thái là หมูปิ้ง, đọc là Mủ Ping. Mỗi xiên giá 10bath, nắm xôi (ข้าวเหนียว, đọc là Khau Niểu) ăn kèm thì 5bath/nắm. Ngon mà rẻ, chả hiểu sao Sài Gòn quê nhà bán mắc quá, đội giá gần gấp 3 ở đây!

Tiện tay sau đó làm thử chai nước ngọt. Khẩu vị người Thái ngọt không bằng người Cam, nhưng vẫn sốc đường :))

Đợi đến 9h30 là lên xe đi tiếp về Bangkok. Tùy theo số khách hiện có mà sẽ đi bằng minivan 9 chỗ, hoặc đông thì lên xe khách 40 chỗ như vài hãng. Như mình lên minivan, hơi chật một xíu nhưng cũng được vì có nước uống và khăn lạnh. Ổn định chỗ xong thì xe lăn bánh, bắt đầu hành trình kéo dài 5 tiếng về thủ đô. Trên đường đi thì xe sẽ dừng lại hai lần tại hai cái 7-Eleven. Chuỗi cửa hàng quốc dân phiên bản trạm dừng chân này có một khu ăn uống và nhà vệ sinh đi kèm, rất sạch sẽ và hiện đại.

Một góc 7-Eleven phiên bản trạm dừng. Sạch sẽ mát mẻ, thứ gì cũng có.
Các mặt hàng bày bán ở đây cũng nhiều hơn theo hướng quà lưu niệm, đặc sản…
Tới đây làm tiếp 2 xiên thịt nướng nữa, 20bath. Chắc thấy không vội vàng gì nên bác tài cũng ngồi chơi thêm nửa tiếng, bó tay!

Độ giáp ngọ thì xe bắt đầu đi tiếp. Hai bên đường lúc này dần chuyển từ những khoảng đồng ruộng bao la qua những dãy nhà nhỏ bé. Những tuyến đường cao tốc cũng từ từ xuất hiện, báo hiệu hành trình hơn 16 tiếng đồng hồ đã gần cán vạch đích.

Cuối cùng cũng đến được Bangkok lúc 1h30 chiều, chính thức đánh dấu tick hoàn thành một mục trong bucket list du lịch.

สวัสดีกรุงเทพฯ, nhưng mà NÓNG QUÁ!

TIẾP THEO: Khám phá Bangkok và chuyện BL bất ngờ

Leave A Reply

Navigate