Kinh nghiệm chuẩn bị hành lý xách tay

Du lịch tiết kiệm đồng nghĩa chi phí chặt chẽ cũng như hạn chế hành lý đi cùng. Nên mang gì trong hành lý xách tay? Có được mang nước hoa hay không? Mang bao nhiêu?… Vài kinh nghiệm chuẩn bị hành lý của mình có thể giúp bạn dễ soạn hành lý đi du hí hơn.


(Bài viết có trích dẫn một số nguồn tham khảo từ bên ngoài)

Chuẩn bị giấy tờ tùy thân

Chuẩn bị kỹ giấy tờ tùy thân có liên quan tới chuyến đi từ trước

Khoan nghĩ đến hành lý, điều đầu tiên bạn cần là chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân có liên quan đến chuyến đi. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, những giấy tờ quan trọng cần được sao y để phòng phát sinh rắc rối. Dưới đây là checklist những thứ phải có, cho tất vào một túi nhựa có zip hoặc bìa nút:

  • Hộ chiếu: chụp lại những trang quan trọng như bìa, thông tin, con dấu xuất nhập cảnh và visa rồi lưu trữ trên Google Drive. Nên có hai bản sao y công chứng dự phòng kèm theo (hạn không quá 6 tháng).
  • Bằng lái quốc tế: nên có nếu bạn dự định thuê xe máy để khám phá điểm đến. Cách làm bằng lái này bạn có thể tham khảo tại ĐÂY.
  • Bản in e-ticket: bắt buộc in ra một bản vé điện tử, thẻ lên tàu bay nếu có. Kể cả booking khách sạn cũng nên phòng thủ để lỡ có bị hỏi ở cửa XNC thì có mà trình.
  • Viết: một cây bút bi để điền vào form xuất nhập cảnh.

Làm ngay và luôn! Cho hết tất cả vào một lá bìa và cất trong ngăn kín nhất.

Chọn ba lô/túi du lịch phù hợp

Bước tiếp theo là chọn một cái ba lô hoặc túi để sửa soạn đồ. Với quy định về kích cỡ cùng trọng lượng tối đa cho phép của một kiện hành lý xách tay, blog gợi ý cho bạn một số lựa chọn sau:

  • Túi du lịch: hầu như đều theo chuẩn 56x36x23cm. Thường có một ngăn phụ nhỏ bên hông trái và hai ngăn hẹp dùng đựng các loại giấy tờ hoặc vật dụng mỏng. Quai xách có kèm quai phụ đeo chéo.
  • Ba lô leo núi: kích cỡ đa dạng. Loại gần nhất theo yêu cầu của hãng hàng không có 53x33x18cm, với quai đeo hai vai. Một số loại có phần đệm lưng giúp chống nóng.
  • Va li / túi kéo du lịch: tiện dụng với tay kéo dễ dàng gập vào trong cùng bánh xe hỗ trợ di chuyển. Loại 20-inch phù hợp với kích thước cho phép của kiện hành lý xách tay.

Xem xét các lựa chọn trên, thứ tự ưu tiên của mình sẽ là: ba lô leo núi > túi du lịch > va li kéo.

Lý do ba lô đứng đầu nhờ vào tính tiện lợi vừa phải – dễ đeo và gìn giữ suốt chuyến, có đệm lưng chống bí khi di chuyển. Một điểm cộng nữa là rất dễ hack không gian để chứa thêm vài vật dụng. Túi du lịch tuy có kích thước chuẩn quy định (và cũng nhét được chút ít), phải xách 7kg để đi bộ tìm bus hay tàu điện khi mới tới nơi là một cực hình (vì quai đeo quá thô và chỉ đeo được một bên). Va li kéo đứng đầu về mặt tiện lợi, nhưng cái giá phải trả là 2,5kg hành lí – tức vài bộ quần áo hoặc chiếc laptop bạn cần sẽ phải ra khỏi danh sách đi du lịch cùng.

Chọn được hành lý rồi, chuyển qua những thứ bạn muốn mang theo thôi!

Chọn những vật dụng phù hợp và cần thiết

Dành thời gian suy nghĩ thật kỹ xem cần mang gì, mang loại nào, số lượng bao nhiêu… Tiêu chí hàng đầu khi gói hành lý là phải gọn nhẹ, nên ngoài những item bắt buộc phải có, hãy cân nhắc mang món đồ gì cho chuyến du lịch sắp tới. Dưới đây là một vài gợi ý về tiêu chí lựa chọn khi xếp hành lý của mình.

  • Áo: tùy vào tình hình thời tiết ở nơi bạn cần đến mà có lựa chọn phù hợp. Theo 3 tiêu chí dễ phối đồ, thoáng mátsize rộng rãi (các kiểu áo thun, tank top chất liệu cotton là lựa chọn lý tưởng). Bắt buộc có ít nhất một áo dài tay để mặc khi đi thăm các nơi như chùa hay đền đài.
  • Quần: tối đa chỉ nên có hai cái quần bò, do có thể mặc lại ngày hôm sau mà không lo mùi nếu xử lý đúng cách. Ưu ái mang quần short (váy rời ngắn đến gối cho nữ) để vừa đi chơi vùa thoải mái khi ngủ. Nên có một cái màu đen để phối đồ cho dễ.
  • Vớ: nói-không-với-vớ-trắng!
  • Giày dép: giày đi bộ là sự lựa chọn tốt nhất. Nếu du lịch vùng biển hoặc chuyến đi của bạn đi bộ nhiều, nên có thêm một đôi dép kẹp.
  • Laptop cá nhân: trừ trường hợp vừa du lịch vừa làm (do tính chất công việc), smartphone đã đủ để giải trí kèm sống ảo suốt hành trình.
  • Sách: một cuốn sách bạn yêu thích, hoặc một bản đồ giấy cùng một quyển cẩm nang du lịch. Chọn một trong hai phương án trên.

Sẽ tốn kha khá thời gian lúc này, vì phải vặn não coi phối thế nào vừa thoải mái, đa đang mà vẫn đẹp lồng lộn (nỗi khổ của người ưa sống ảo). Đặc biệt mang hay không mang laptop là một sự đắn đo kéo dài tới ngày đi chơi.

Chuẩn bị túi vệ sinh cá nhân

Đi du lịch nước ngoài chắc bạn cũng biết quy định chất lỏng nghiêm ngặt của IATA trong hành lý xách tay rồi: giới hạn 1 LÍT, mỗi chai đựng không quá 100ml, bỏ vào đúng một túi khóa zip / kéo lại được… Dưới đây là những loại chất lỏng thuộc mục hạn chế kèm theo dung tích đề xuất cùng:

  • Dầu gội: hầu như mọi hotel/hostel đều có dầu gội (gói hoặc đựng chai) tùy theo kiểu nhà tắm (riêng hay chung) nên bạn không cần mang theo. Trường hợp bạn nhuộm tóc, chiết một lọ dầu gội tím nắp mỏ quạ hoặc nắp bật từ 50 – 75ml.
  • Xà phòng: tương tự như trên, không cần mang theo.
  • Lăn khử mùi: dùng loại mini du lịch từ 20 – 25ml có bán tại các cửa hàng tiện ích.
  • Nước hoa: xách nguyên chai 100ml như vầy theo cũng được, nhưng tốt nhất là mua một chai chiết nước hoa 12ml (mấy shop online có bán) để lấy lượng đủ dùng cho chuyến đi. Chừng đó xịt dư luôn nên đừng mang cả lọ làm gì.
  • Các loại dung dịch sệt: chiết ra tuýp 30 đến 50g. Áp dụng cho sữa rửa mặt, gel, wax / pomade vuốt tóc, kem chống nắng…
  • Xịt khoáng, nước tẩy trang, dầu dưỡng tóc: chiết ra bình xịt 50ml.
  • Kem đánh răng: chọn mua dạng tuýp du lịch 45g.
  • Dung dịch ngâm kính áp tròng: chiết ra một chai nắp bật 30ml. Cột kèm nhíp gắp và khay đựng kính để không bị thất lạc.

Tùy theo nhu cầu sử dụng mà chọn lựa rồi chiết sao cho khớp yêu cầu của hãng nha ? Xong cho tất cả vô một túi đựng, kéo khóa kỹ. Nhớ kiểm tra coi có bị rò rỉ chảy dung dịch ra không nhé, nếu có hãy sớm thay chai đựng khác. Xong rồi dán nhãn phân biệt các loại chất, cho vào túi.

Ngoài ra chuẩn bị thêm: bàn chải mềm có nắp đậy, bông tăm, bông tẩy trang để rửa mặt. Nam có thêm dao cạo râu (dùng kẹp giấy kẹp đầu dao lam). Nữ có thêm tampon, nhíp, kềm cắt móng (bọc đầu lại bằng miếng nhựa đi kèm)… Tốt nhất chọn mua các loại túi chuyên đựng đồ cá nhân du lịch như này, có móc treo và chống thấm nước để có nhiều không gian trữ, kể cả đồ trang điểm.

Nếu bạn đi du lịch nội địa, thích mang bao nhiêu cũng được!

Chuẩn bị túi bao tử

Một số hãng cho phép hành khách mang một túi du lịch phụ như belly pack hay đeo chéo bên cạnh kiện hành lý bự chảng. Hãy tận dụng nó, cho vào túi bự khi khởi hành trước. Đến nơi rồi ta linh hoạt cho một số item sẽ dùng đến vào theo ngày và lịch trình, ví dụ như:

  • Pin sạc + chấu cắm sạc dự phòng kèm dây cáp
  • Cẩm nang & bản đồ du lịch
  • Sách đọc (kích cỡ vừa bỏ vào)
  • Máy chụp lomo, phim…
  • Thuốc cơ bản (đau đầu, tiêu chảy,…)

Có túi bảo bối của riêng mình rồi, tha hồ đi cả ngày không lo mang nặng hay thiếu thốn chi 😉

Tính toán số bộ quần áo cần mang theo

Lựa chọn được kiểu quần áo sẽ mặc khi đi du lịch rồi, bắt đầu giai đoạn trải ra và chốt số lượng. Dưới đây là công thức mình thường áp dụng cho một chuyến đi từ 4 đến 5 ngày, có tham khảo một số công thức từ blog của chị Quyên (misagjone.com):

  • Áo: số áo các loại = số ngày đi.
  • Áo khoác: 1. Các kiểu áo chemise oversize và dài tay là lựa chọn lý tưởng khi du lịch quanh khu vực Đông Nam Á.
  • Quần / váy: số quần các loại = số ngày đi trừ 1 nếu có quần bò. Riêng các bạn nữ click tham khảo ở ĐÂY để xem số lượng váy chi tiết theo kiểu. Đối chiếu với lịch trình du lịch để chọn kiểu váy phù hợp với hoạt động, sự kiện bạn dự tính tham gia.
  • Quần lót: bằng với số ngày đi.
  • Vớ: bằng với số ngày đi cộng 1.
  • Đồ bơi: 3 bộ nếu đi du lịch vùng biển. Có thể mang một bộ đi du lịch thường nếu bạn có thời gian đi bơi hoặc trải nghiệm công viên nước.
  • Giày: một và chỉ một đôi giày đi bộ để bàn chân êm ái. Một đôi dép kẹp dự phòng nếu đi biển.

Nếu lịch trình du lịch lâu hơn (từ 6 ngày trở lên), gom tất cả đồ đã mặc ra tiệm giặt ủi vào ngày thứ 3 hoặc thứ 4 của hành trình. Đảm bảo bạn có ít nhất một hoặc hai bộ đồ sạch vào ngày cuối trước khi ra sân bay, phòng trường hợp bị delay quá lâu cần thay đồ hay đồ đang mặc bị lấm bẩn.

Binh pháp soạn hành lý: cách xếp đồ

Xưa có binh pháp Tôn Tử, nay có biện pháp cho tất cả số đồ trên vào trong ba lô. Sau khi đã trải đồ ra hết, bắt đầu tiến hành cuốn-hết-mọi-thứ-có-thể.

Cơ mà cuốn như thế nào? Tham khảo video hướng dẫn cuộn đồ sau đây từ 5-Minute Crafts để biết cách cuộn đồ nhé.

Cuộn xong rồi, cho vào hành lí theo thứ tự sau:

  • Đồ nặng vào trước (nằm dưới cùng túi du lịch hoặc phần đáy chỗ có bánh xe nếu bạn dùng vali kéo), bao gồm quần bò, áo khoác, các cuộn đồ dày.
  • Nếu bạn có mang laptop, bọc trong túi chuyên dụng và chồng lên. Nếu bạn dùng ba lô du lịch hoặc vali kéo, cho vào ngăn đựng có sẵn. Nhét adapter vào chỗ cuộn đồ nhẹ để tránh va đập gây hỏng hóc.
  • Các cuộn đồ nhẹ hơn chồng lên kế tiếp.
  • Nhét các vật dụng mỏng vào hai bên hông như đôi dép kẹp dự phòng (cho vào túi đựng giày riêng), túi giấy tờ, túi bao tử… Nếu ép đủ không gian bên hông (với balô và túi du lịch) hãy cho túi đựng đồ vệ sinh cá nhân vào để dễ lấy ra khi Hải quan yêu cầu.

Các ngăn nhỏ có sẵn có thể chho vào 2 đến 3 túi khóa zip dự phòng (dùng để cất đồ đã mặc nhưng chưa kịp giặt ủi), xong rồi đem ra cân thử ở nhà (cân điện tử phổ biến lắm, nên có một cái để đong đo cho tiện). Nếu vừa đúng 7kg coi như hoàn hảo, ít hơn thì có thể thêm vài kiểu áo quần dự phòng, lố hơn thì nên kiểm tra lại quần áo, sách báo hoặc đồ điện tử nào không thực sự cần thiết để bỏ ra ngoài.

Cuối cùng, kiểm tra lại bóp ví của bạn trước khi cho vào túi quần. Đã đổi tiền chưa? Có bao nhiêu loại ngoại tệ? Thẻ tín dụng nào có sẵn tiền dự phòng?…  Làm theo những kinh nghiệm chuẩn bị hành lý xách tay này, công việc còn lại là xách ba lô lên và đợi tới lúc mà đi thôi 😀

Nếu có bất kì câu hỏi hay kinh nghiệm chuẩn bị hành lý hay ho nào, mời bạn tham gia đóng góp cùng blog ngay dưới bài viết nhé.

Leave A Reply

Navigate
Verified by MonsterInsights