Chuyện Hai-0-Hồi-Đó: Ăn gì khi đến Phnom Penh, Cambodia

Lần đầu biết ẩm thực Cambodia là qua món Hủ tiếu Nam Vang hồi tầm 7 8 tuổi gì đó. Chục năm sau sang hơn xíu, tự thưởng vài lần ghé tiệm Triều Phong trên Võ Văn Tần – chỗ hiện tại mình thấy ngon nhất ở Sài Gòn. Cảm nhận đó giờ vẫn là ngon quá. Tô hủ tiếu nóng hổi đầy đủ thịt, lòng heo, tôm luộc, trứng cút với nước dùng nêm nếm vừa khẩu vị dã man. Phong phú hơn thì thêm miếng giò, người bán hào phóng hành phi tóp mỡ giòn thơm là vui cả ngày :mrgreen:

Rồi đó, hồi chỉ biết quẩn quanh phố xá Sài Gòn là biết mỗi món này khi hởi tới đồ ăn xứ Nam Vang. Chưa biết tới bánh mì bò nướng, càng lúa hơn khi nghe mấy món như bún mắm bồ hóc, thốt nốt này nọ. Thế là hạ quyết tâm trong chuyến đi Phnom Penh đầu tiên phải ăn sao cho nhiều hết mức có thể, đặng còn có bài mà chia sẻ đây ;-)  

(Giờ nghĩ lại mới thấy chuyến đó đúng nghĩa ăn muốn sập cái chợ người ta… Không nhớ làm sao mà có thể ăn nhiều tới vậy chỉ trong 5 ngày :-?)


Thế đã ăn gì khi ở Phnom Penh rồi?

1. Bánh lọt xào

Bánh lọt xào Cambodia

Anh em họ hàng hơi xa của mì xào. Mới đầu ăn thì thấy lạ lạ, ngon mà không biết tên gì. Về tới nhà dò la mới hay nó là sợi bánh lọt. Đúng, bánh lọt trong món tàu hủ bánh lọt thần thoại giờ là món mặn. Sợi bánh trắng sẽ được xào trước với ít nước màu, sau đó thêm giá đỗ cùng cải xanh. Người bán sẽ nêm nếm chút trước khi cho thêm thịt bò, trứng ốp cùng chả xào tiếp. Xúc ra dĩa, lên bàn và bạn có một dĩa bánh nóng hổi vừa thổi vừa ăn.

Nhìn chung bánh lọt xào ăn khá ổn, vị có hơi mặn do khẩu vị thực khách quốc nội khá đậm đà. Đồ nêm thì có tương ớt xào, nước nêm (mà theo cảm nhận của mình là nước mắm ngọt pha loãng với tỏi băm), tỏi chua xắt lát để ăn kèm. Món này hợp ăn sáng với chiều hơn vì hơi dầu mỡ.

Ăn ở đâu: Món phổ biến nên rất dễ tìm thưởng thức. Mình thường ghé một quầy ở Central Market khu cửa Tây, kẹp giữa chỗ bán bún riêu cua và hàng hải sản nướng.
Giá: $1.75 (7,000KHR) cho dĩa thường (bò + trứng ốp), thêm chả thì chẵn $2. Đặc biệt duy nhất chỗ này có tương ớt xào kiểu Quảng Nam, ăn vô ngon hơn (dù hơi mặn)

(Ở Sài Gòn cũng có bán món này, nhưng chỉ chiên cùng trứng và ăn không quá xuất sắc. Có hai chỗ bán nằm trong chợ Lê Hồng Phong, bạn có thể thử qua)

Chính là cái hàng bánh lọt ấy đây! Đặc biệt tương ớt ở Phnom Penh toàn từ Cholimex với Hậu Sanh mà ra :))

2. Hủ tiếu Nam Vang

Trong cả 4 lần tới Phnom Penh, lần đi Tết vừa rồi mới là dịp đầu tiên mình ăn hủ tiếu Nam Vang ở đúng xứ sở. Không phải ngán hay gì, do mình không ưu tiên các món có nước khi đi chơi. Nhanh no (vì nước), dễ bị xóc hông (vì hay cuốc bộ). Cộng thêm cái bụng hậu ăn no phình ra nữa (nhìn ngán), nên thường chọn món nào ăn nhanh là được.

Tình cờ sao chỗ hostel mình ở lần này có một hàng hủ tiếu gần đó. Cũng không tìm hiểu trước gì, chỉ là đang đi bộ ra chợ (sẵn cày Pokémon GO) thì thấy có hàng ăn. Một bên là hàng bai sach chrouk, bên còn lại hủ tiếu nóng hổi nghi ngút hơi khói. Quán nào cũng đông, cũng người bán thoăn thoắt cho ra món. Thôi thì sẵn tiện thử luôn, ghé vô hàng hủ tiếu.

Ăn tại quán đồ. Tương ớt Cholimex tiếp tục hiện về. Dưa món ngâm đủ thứ.

Và bùm cái, phân đoạn gọi món đã hiện nguyên con ngáo ộp trước mặt chủ hàng. Flashback ngược dòng về hồi còn đi vẫy tuk tuk…

Cũng hên là ngôn ngữ tay chỉ chỉ trỏ trỏ có tác dụng nên gọi được một tô. Có điều bài học xương máu là chỉ có thể dùng từ đơn giản nhất như thịt gì thôi, vì nhiều khi các loại như lòng heo, bò viên… ăn hàng địa phương họ không hiểu mấy đâu. Tiện nhất thì cứ hô chữ mix, chơi tô thập cẩm cho máu.

Ngày đầu: Hủ tiếu thịt heo / Cải nâu giá trụng thật là healthy.
ẩm thực cambodia, hủ tiếu nam vang
Ngày hai: thập cẩm đủ đầy / Bò viên, giò sụn lấp đầy cả tô.

thử làm thơ con ếch
thấy không tới nỗi
bài tới biên tiếp nhỉ :”>

Ăn rồi thì thấy chắc bụng thiệt. Đồ ăn nhiều tới mức còn tưởng đang ăn Kao Lao Thái, nước tràn ra ngoài có khi. Nước dùng ở đây do nấu thịt băm chung nên hơi đục và mỡ, bù lại hương vị thơm ngon khó cưỡng. Ăn kèm thì thay vì rau (giá đỗ mặc định rồi) sẽ là 3 4 loại đồ ngâm chua (cái này có thể tùy quán). Nhớ có ớt ngâm, củ kiệu, tỏi chua, gừng ngâm… Đặc biệt một hũ đường mọi bàn, đặc trưng ăn uống từ Thái đến Cam. 

Ngoài khẩu phần khủng long thịt ít xỉn hủ tiếu thì còn lại đều đỉnh. Bò viên dai dai, lòng heo làm kỹ, giò sụn mềm đủ để tách thịt… Xứng đáng đồng tiền bát gạo cho một bữa no căng bụng.

Ăn ở đâu: Oknha Pich St. (242), Phnom Penh 12207, Cambodia. Quán nằm ngay ngã ba với đường số 59, gần khu Tượng đài Độc lập.
Giá: $3 cho tô heo và $4 cho tô thập cẩm. Hơi cao so với mức trung bình nhưng bù lại cái tô ăn muốn ná thở.

3. Chè

Trong bốn cái ngu hồi đi Phnom Penh lần đầu, xếp thứ ba là ăn chè không bỏ đá. Chiều nắng dìu dịu, lăn lộn check-in xong dạo phố thấy hàng chè. Thế là nhào vô, để rồi bị sốc khi nhìn thấy chị bán cho luôn hai vá đường thốt nốt (!!). Mãi tận mấy lần sau bớt ngố, gọi chè gì cũng phải có muỗng đá bào đi kèm.

ẩm thực cambodia, chè cambodia
Bánh đúc mát lạnh đập tan cơn nóng trưa chiều.

Ngoài món chè Cambodia thập cẩm (gồm các loại trứng ngọt, đậu xanh viên kèm thạch, thốt nốt nhỏ…), chè thốt nốt cũng là một món đáng thử. Người bán sẽ cho vào một trái thốt nốt lớn chẻ làm tư, thêm nước dừa, ít nước đường, đá bào nhuyễn và thêm chút sữa đặc. Ăn một muỗng mát rượi, dịu hết cái nắng nóng quanh người đi thiệt.

ẩm thực Cambodia, chè thốt nốt
Một phiên bản chè thốt nốt khác nấu cùng nếp dẻo. Hình chụp 01/2017.

Bạn cũng có thể thưởng thức phiên bản thốt nốt nấu nếp cũng ngon không kém. Thốt nốt bào mỏng trộn cùng nếp dẻo ngọt, thêm chút cốt dừa thơm béo đảm bảo ghiền. Hoặc như món bí chưng trứng sữa (có mặt trong chén chè Cambodia) ăn kèm cùng nước đường sên với sầu riêng. Xắn một muỗng là cả một phần bí mềm, thơm mùi nhân trứng ngọt vừa phải.

ẩm thực Cambodia, bí đỏ chưng trứng sữa
Một ngày, hàng chè có thể bán tới hơn 10 trái bí như thế này.

Nên ăn chè gì: chè thốt nốt đá (rất nên thử), bí chưng trứng hoặc chè thập cẩm đều ngon. Riêng bánh đúc ngọt khi ăn nhớ dặn người bán cho đường thốt nốt nhẹ tay.
Ăn ở đâu: Chợ Mới (Central Market). Có hai hàng chè: một ở giữa cạnh hàng gỏi cuốn, một nằm sát khu trái cây phía trên. Đặc biệt chủ cả hai hàng chè đều gốc Việt 😀
Giá: 3,000KHR/chén. Ở chợ Cũ giá rẻ hơn chỉ 2,000KHR.

4. Bai sach chrouk

Ngày thứ 4 trong chuyến du hí Phnom Penh hồi 2017 chắc là cái ngày bao tử của mình vào chế độ “hố đen”. Trong một buổi sáng mà từ bánh lọt xào, gỏi cuốn rồi cái tới món này. Đấy là chưa kể con mực nướng giá $10 muốn khóc tiếng Tây Ban Nha cùng chiều hôm đó T_T

bai sach chrouk
Một dĩa bai sach chrouk, nom như cơm tấm Sài Gòn…

Lân la một lúc thì quyết định thử gọi bai sach chrouk, bởi nghe kể món này thuộc hàng phổ biến bậc nhất ở nước bạn. Lúc dọn món ra thì chợt nghĩ, hình như mới order cơm tấm… Cũng sườn heo nướng (ở đây là thịt heo thái mỏng) nướng than, dưa chưa nước mắm ngọt kèm dưa cà thái lát, lại tô điểm chút hành bên trên. Ăn có hơi ngọt hơn so với cơm tấm ở nhà.

Đánh giá cá nhân: tạm được, không quá xuất sắc, nhìn chung vẫn là lựa chọn ăn sáng/trưa thích hợp. Giá rẻ và cũng gần với khẩu vị người Việt.
Ăn ở đâu
: nếu có hàng cơm nào gần ở hostel bạn ở, nhiều khả năng bạn có thể gọi món này để thưởng thức.
Giá: dao động từ $1.5/phần.

5. Bún nem nướng

Đứa bạn người Khmer của mình hay giỡn là “Mày mà không biết tiếng Khmer cứ tha hồ xả tiếng Việt.” Mà thiệt, sáng sớm ra chợ bỗng giật mình khi nghe có tiếng cải lương từ bên đường vang vọng tiếng Việt rõ ràng. Biển hiệu các tiệm quanh chợ trung tâm cũng có cả Anh – Việt – Hoa. Tới người bán trong chợ, thấy khách Việt là auto tiếng mẹ đẻ, khỏi cần vòng vo tiếng Anh chi cho cực.

(Trừ trường hợp của mình: bị nghĩ là dân Hàn vì tóc tẩy)

Đấy, sau quả hàng chè thì tới hàng nem nướng 114 này cũng vậy. Cô Nghĩa chủ hàng bán ở đây từ rất lâu, có cả con cái phụ giúp giao món xung quanh. Giap tiếp thoải mái nên bỗng thấy giống như đang ở chợ gần nhà chứ không phải đi du lịch 😀 

ẩm thực Cambodia, nem nướng cô Nghĩa
Nem nướng cô Nghĩa với rất nhiều các loại rau để cuốn cùng bánh tráng.

Nem nướng được phủ mỡ hành bên trên sẽ được cuốn cùng bánh hỏi, các loại rau, dứa cùng chuối chát trước khi chấm để thưởng thức. Nước chấm ở quán cũng là điểm nhấn khi có thêm muỗng chè nếp. Nhớ khuấy đều lên nhé, nước chấm nhờ đó có vị mặn ngọt khá lạ miệng. Có thể gọi thêm rau ăn kèm miễn phí (trong trí nhớ ngày ấy của mình là vậy).

Ăn ở đâu: sạp 114, chợ Mới. Thi thoảng cô có dọn hàng ngay trước lối đi lại thay vì ở trong nhà lồng chợ.
Giá: $3/phần.

6. Xiên que

Trong 4 chợ gần khu phố Tây, chợ Đêm xếp chót về quy mô nhưng xếp nhất về giá cả. Đặc biệt, khu ăn uống ở đây có không gian ẩm thực lót chiếu, thực khách cùng nhau tề tựu ăn uống khá nhộn nhịp.

Các loại xiên que ở đây cũng phong phú vô cùng. Từ các loại cá, bò viên, cho đến các xiên xúc xích, phở cuốn cũng như phá lấu… tất cả đều được trưng bày cho thực khách lựa chọn. Người bán tùy theo loại xiên mà có các cách chế biến khác nhau. Mỗi hàng đều có các món phở mì xào, hủ tiếu các loại cho những ai muốn chắc bụng. Lưu ý duy nhất: nên cẩn thận nếu bụng hơi yếu, vì có thể ăn xong sẽ hơi… chột bụng. Mình là đứa ăn không phải lăn tăn mà cũng thấy “khíu chọ” là hiểu rồi 😕


Và tới đây là tạm “chốt sổ” những món chủ blog đã từng ăn trong những ngày rong ruổi ở Phnom Penh rồi đó 😀 Vẫn còn nhiều món chưa thử lắm (amok, num banh choc…), nên để dành cho những dịp sau 😉 Chưa kể mình còn cái hẹn bị xù chưa trả của đứa bạn nữa :-w.

Nếu bạn đã từng thử qua món ngon khi đến Phnom Penh, có thể nhận xét cũng gợi ý cho mình bằng cách comment dưới đây bạn nhé. Rất mong nhận được sự đóng góp cũng như ủng hộ của mọi người!

XEM THÊM: Các bài viết tổng hợp Du lịch Cambodia

Leave A Reply

Navigate
Verified by MonsterInsights